quy trinh son nha chuan

Một quy trình sơn nhà chuẩn, đúng kỹ thuật sẽ giúp cho ngôi nhà của bạn được bảo vệ và đạt tính thẩm mỹ cao nhất. Vậy rốt cuộc sơn nhà chuẩn cần mấy lớp? Sơn trong nhà trước hay ngoài nhà trước? Cách pha sơn ra sao? Thi công với định mức phủ thế nào?…

Tất tần tật sẽ được giải đáp trong bài viết này!

5 nguyên tắc cần lưu ý trước khi sơn nhà

Nguyên tắc sơn nhà chuẩn số 1

Sơn nhà từ trên xuống dưới

Với nguyên tắc này, cần thi công ở vị trí cao nhất của ngôi nhà xuống những bức tường bên dưới.

– Lý do: Tránh các màu sơn ở khu vực trên cao văng vào các bức tường bên dưới khiến bạn phải tốn thêm sơn nhân công để xử lý.

Nguyên tắc sơn nhà chuẩn số 2

Sơn nhà từ trong ra ngoài

Nguyên tắc này rất quan trọng trong một quy trình sơn nhà chuẩn. Vì nếu không để ý hoặc chủ quan rất nhiều gia chủ đã để thợ sơn thi công phía bên trong nhà trước. Hoặc xuất phát từ yếu tố khách quan là trời mưa không thể sơn bên ngoài nên thợ sơn đã làm bên trong nhà trước để tiết kiệm thời gian. Điều này là trái với quy tắc sơn nhà chuẩn số 2.

– Lý do: Sơn nhà từ ngoài vào trong sẽ giúp ngôi nhà của bạn hạn chế tối đa sự xâm thực của nước mưa trong quá trình thi công. Giúp bảo vệ tường nhà hiệu quả nhất.

Nguyên tắc sơn nhà chuẩn số 3

Quét cọ trước, lăn rulo sau

Trong quy trình thi công sơn, bạn sẽ cần dùng tới cả cọ quét và lu lăn sơn. Và nguyên tắc cần lưu ý là dùng cọ quét góc cạnh trước khi sử dụng rulo để lăn.

– Lý do: Ưu điểm của cọ là giúp bạn xử lý các ngóc ngách, góc tường – điều mà rulo không làm được. Tuy nhiên, cọ lại có nhược điểm là để lại vết xước trên tường làm mất tính thẩm mỹ. Việc quét cọ trước ở các góc tường rồi mới thi công bằng rulo sẽ giúp bạn thu hẹp vết xước cọ đến mức thấp nhất.

co-va-rulo

Nguyên tắc sơn nhà chuẩn số 4

Thi công liên tục trên 1 mảng tường

– Lý do: Việc thi công gián đoạn trên cùng 1 mảng tường sẽ dẫn đến tình trạng màu sơn trên tường không đồng nhất. Bởi vậy bạn đừng quên nguyên tắc số 4 này nhé. Không nên sơn một mảng tường vào 2 thời điểm khác nhau.

Nguyên tắc sơn nhà chuẩn số 5

Hạn chế dặm vá

Trong quá trình thi công sơn nhà, nếu tường chưa khô hẳn hãy hạn chế sự va chạm vào tường để giảm thiểu công việc di dặm vá sơn.

– Lý do: Các vết dặm vá thường làm màu sơn không đồng nhất với mảng tường đã thi công trước đó. Bởi vậy sơn tường nên là công việc sau cùng của công trình.

Trên đây là 5 nguyên tắc sơn nhà bạn cần lưu ý để góp phần thực hiện một quy trình sơn nhà chuẩn nhất. Còn bây giờ hãy cùng giải đáp thắc mắc sơn nhà cần mấy lớp và cách thực hiện chúng ra sao nhé!

Quy trình sơn nhà chuẩn gồm 4+1 bước sau đây

Vì sao lại là 4+1 bước?

Một quy trình sơn nhà chuẩn gồm 4 bước sau đây:

  • Vệ sinh bề mặt tường
  • Thi công bột trét tường
  • Thi công sơn lót chống kiềm
  • Sơn phủ màu trang trí

Vậy còn bước +1 là gì? Vâng, tôi đang muốn đề cập tới một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình sơn nhà. Đó chính là sơn chống thấm tường ngoài trời. Và bước thi công sơn chống thấm này nên được thực hiện đầu tiên.

Quy trình sơn chống thấm tường ngoài trời

Trước khi sơn chống thấm cho tường ngoài trời hay thực hiện bất cứ một quy trình sơn nhà nào, việc đầu tiên bạn cần thực hiện là VỆ SINH BỀ MẠT TƯỜNG. Cách vệ sinh bề mặt tường đã được tôi chia sẻ ở ngay phía dưới, bạn có thể tham khảo chi tiết để lựa chọn cách làm sạch bề mặt tường phù hợp nhé.

Tiếp theo để bảo vệ tường ngoài trời hiệu quả nhất bạn cần lựa chọn đúng sản phẩm sơn chống thấm. Loại sơn thích hợp nhất để chống thấm tường ngoài trời là hợp chất chống thấm pha xi măng.

chong tham vuot troi

Sau khi lựa chọn được loại sơn chống thấm thích hợp, bạn có thể tham khảo quy trình sơn chống thấm pha xi măng cho tường ngoài trời dưới đây:

Cách pha sơn chống thấm pha xi măng

Hầu hết các sản phẩm sơn chống thấm pha xi măng trên thị trường hiện nay đều thực hiện pha theo tỷ lệ 1:1 (1kg xi măng : 1kg sơn chống thấm). Ngoài ra sẽ cần thêm từ 0,4 – 0,5 lít nước sạch. Tức là pha theo tỷ lệ: 1kg xi măng + 1kg sơn chống thấm + 0,4 lít nước sạch bạn sẽ được hỗn hợp chống thấm chuẩn nhất.

Tuần tự pha như sau:

  • B1: Trộn xi măng với nước để được hỗn hợp đồng nhất
  • B2: Trộn hỗn hợp ở bước 1 với sơn chống thấm theo đúng tỷ lệ bên trên

Cách thi công sơn chống thấm pha xi măng

  • B3: Khuấy đều trươc khi thi công
  • B4: Sử dụng cọ quét, lu lăn sơn để thi công 2 lớp sơn chống thấm cho tường ngoài trời.

*** Lưu ý:

  • Một thùng sơn chống thấm pha xi măng thường đóng gói 20kg, có định mức phủ khoảng 70-80m2/2 lớp.
  • Thi công lớp thứ 2 cách lớp thứ nhất khoảng 6 – 8 giờ.
  • Sơn chống thấm pha xi măng đạt độ cứng tuyệt đối sau 7 ngày.

Trên đây là quy trình sơn chống thấm cho tường ngoài trời chuẩn nhất hiện nay. Còn bây giờ chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu về các bước sơn nhà đạt chuẩn (không thể thiếu) tiếp theo nhé!

Bước 1: Vệ sinh bề mặt tường

Để bắt đầu một quy trình sơn nhà đạt chuẩn luôn là công việc vệ sinh bề mặt tường. Dưới đây là một số gợi ý về cách xử lý bề mặt tường để bạn tham khảo và lựa chọn phù hợp:

  • Bề mặt chứa chất dơ, bột: Làm sạch bằng nước với áp lực cao. Chất tẩy nhẹ cũng có thể được sử dụng. Nếu bề mặt có nhiều bột, nên sơn hai lớp sơn lót chống kiềm sau khi làm sạch bề mặt.
  • Bề mặt chứa màng sơn cũ/Vữa xi măng/Bột trét: Các màng sơn cũ/Bề mặt không ổn định phải được tẩy sạch bằng đục, cạo, máy chà xát hoặc dụng cụ thích hợp. Bề mặt không bằng phẳng nên được trét lại bằng loại bột trét thích hợp.
  • Bề mặt chứa rêu/nấm :Tẩy sạch bằng nước với áp lực cao hoặc bằng dụng cụ đục, cạo và xử lý bằng dung dịch chống rêu, nấm. Rửa lại bề mặt bằng nước sạch và để khô.
  • Bề mặt chứa dầu mỡ: Tẩy sạch bằng chất tẩy nhẹ và 1 ít dung môi nếu cần thiết. Rửa lại thật kỹ để tẩy tất cả mọi vết bẩn.
Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là ve-sinh-be-mat-tuong.jpg

Ngoài ra với tường nhà mới xây, bạn có thể vệ sinh đơn giản như sau:

  • Dùng đá mài vệ sinh toàn bộ bề mặt tường để loại bỏ hết các tạp chất, vữa xi măng gồ ghề trên bề mặt tường.
  • Vệ sinh lại lần nữa bằng giấy ráp mịn hoặc thô để loại bỏ hết sạn cát còn lại bám trên bề mặt tường
  • Sau đó dùng chổi quét sạch bụi bẩn để tiến hành các bước thi công sơn tiếp theo.

Đặc biệt lưu ý: Bề mặt tường đủ điều kiện để thi công sơn là <16% theo máy đo độ ẩm Protimeter. Trong trường hợp không có máy đo độ ẩm, bạn nên chờ tường khô từ 21-28 ngày trong điều kiện thời tiết khô ráo (nhiệt độ môi trường 30 độ C, độ ẩm không khí 80%).

Bước 2: Thi công bột trét tường

Đối với một quy trình sơn nhà chuẩn chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng bột trét tường để chống thấm và tạo độ bằng phẳng, tăng tính thấm mỹ cho ngôi nhà hiệu quả nhất. Thế nhưng, trên thực tế nếu thiếu đi lớp bột trét tường này cũng không ảnh hưởng gì tới các lớp sơn tiếp theo. Thậm chí, sơn tường không bả còn có độ bền tốt hơn tường có bả.

Vậy nên tùy vào từng sở thích và nhu cầu của gia chủ, bạn có thể lựa chọn một quy trình sơn nhà có bả hoặc không bả nhé!

thi-cong-bot-tret-tuong

Cách pha bột trét tường

Thông thường các hãng sơn đóng gói bột bả tường với trọng lượng là 40kg/bao. Với 1 bao bột bả như thế sẽ cần dùng khoảng 15-16 lít nước sạch. Tương đương với tỷ lệ pha như sau:

Nước + Bột bả = 1 lít + 2.5 kg

Lưu ý: Hãy cho nước vào thùng, sau đó mới đổ bột bả vào để khuấy đều sẽ giúp bạn tránh được tình trạng vón cục.

Định mức phủ của bột bả khoảng 35-40m2/ bao.

Cách thi công bột trét tường

Cách thi công bột trét tường rất dễ dàng. Bạn có thể dùng bay thép hoặc dao trét để thi công. Nên thi công 2 lớp mỗi lớp dày khoảng 1mm, 2 lớp cách nhau tối thiểu 2 giờ để đạt độ bền và tính thẩm mỹ tốt nhất.

Sau khi thi công lớp sơn bả thì chờ khô từ 1-2 ngày và tiến hành XẢ NHÁM để tiếp tục quy trình sơn nhà tiếp theo là sơn lót. Để xả nhám đội thợ sơn nhà chuyên nghiệp thường sử dụng máy xả nhám chuyên dụng hoặc các loại đá mài, giấy giáp để thi công.

Quá trình xả nhám bột bả dường như là công việc vất vả nhất trong một quy trình sơn nhà chuẩn. Bởi vậy giá sơn nhà trọn gói giữa có bả và không bả cũng có sự chênh lệch nhất định.

Bước 3: Thi công sơn lót chống kiềm

Sau khi xả nhám tường nhà có thể bị khô và bụi bả còn bám đầy trên bề mặt tường. Lúc này bạn có thể dùng chổi để phủi hết lớp bụi bả sau đó dùng lu lăn sơn nhúng qua nước sạch và lăn 1 lớp mỏng lên bề mặt tường để tạo độ ẩm cần thiết. (Lưu ý: độ ẩm tường không được vượt quá 16%.)

  • Sơn lót chống kiềm thường có màu trắng đục, trắng ngà hoặc trắng xanh. Nhằm phân biệt với lớp sơn phủ màu trắng.
  • Sơn lót chống kiềm thường có định mức khoảng 120m2/1 lớp, 70-80m2/2 lớp.
  • Số lớp sơn khuyến nghị là 1 – 2 lớp

Trong một quy trình sơn nhà chuẩn thường chỉ định sơn 1 lớp lót + 2 lớp phủ. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu sử dụng và điều kiện tài chính bạn có thể quyết định sơn 1 hoặc 2 lớp sơn lót chống kiềm đều được. Dĩ nhiên thì 2 lớp luôn luôn tốt hơn 1 lớp.

thi công sơn lót chống kiềm

Cách pha sơn lót chống kiềm

Sơn lót chống kiềm là hệ sơn gốc nước được nhà sản xuất pha sẵn nên không cần pha thêm với bất cứ dung môi nào. Tuy nhiên trong kỹ thuật cho phép, nếu cảm thấy sơn đặc khó thi công bạn có thể pha tối đa 10% nước sạch, khuấy đều để thi công.

Cách thi công sơn lót chống kiềm

  • Dụng cụ thi công: Cọ quét, Rulo
  • Số lớp sơn: 1 – 2 lớp
  • Mỗi lớp cách nhau 2-4 giờ

Bước 4: Sơn phủ màu trang trí

Như đã nói, số lớp sơn phủ được khuyến nghị trong một quy trình sơn nhà chuẩn là 2 lớp. Trên thực tế, số lớp sơn có thể lên tới 3-4 lớp tùy vào từng loại sơn cụ thể. Ví dụ với những màu sơn đậm hoặc sơn hiệu ứng đặc biệt, nhà sản xuất thường chỉ định sơn từ 3 lớp để đạt màu sắc chuẩn nhất.

Cách pha sơn phủ trang trí

Cũng giống như sơn lót chống kiềm, bạn không cần pha chế gì thêm đối với sơn phủ. Sau khi bạt lắp, khuấy đều là có thể thi công ngay. Và trong trường hợp thấy sơn đặc khó thi công bạn cũng có thể pha tối đa 10% nước sạch nhé!

Định mức sơn phủ màu trang trí

Tuy cùng một hãng sơn nhưng có rất nhiều loại sơn phủ màu trang trí khác nhau. Tiêu biểu phải kể tới 3 cấp độ sau:

  • Sơn mịn: định mức 3-4m2/lít/lớp
  • Sơn bán bóng hay còn gọi là sơn lau chùi: định mức 5-6m2/lít/lớp
  • Sơn bóng: định mức 6-7m2/lít/lớp

Ngoài ra độ bền các loại sơn mịn, bán bóng, bóng cũng tăng dần theo thứ tự. Bởi vậy, tùy từng nhu cầu và điều kiện tài chính của gia đình bạn có thể lựa chọn loại sơn phù hợp nhất để trang trí cho ngôi nhà của mình. Bên cạnh đó đừng quên tham khảo những màu sơn nhà đẹp nhất năm nay là gì nhé.

Cách thi công sơn phủ trang trí

  • Dụng cụ thi công: Cọ quét, Rulo
  • Số lớp sơn: 2 – 3 lớp
  • Mỗi lớp cách nhau 2-4 giờ

Kết luận

Trên đây, tôi đã chia sẻ tới bạn 5 nguyên tắc sơn nhà cần ghi nhớ và các bước đạt chuẩn trong một quy trình sơn nhà. Hy vọng đã cung cấp những kiến thức hữu ích cho bạn và tất cả mọi người. Đặc biệt tôi xin gửi thông tin hữu ích này tới những ai đang có dự định mở đại lý kinh doanh sơn. Đây là những kiến thức ngành sơn bạn cần nắm vững nếu muốn kinh doanh sơn nước thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *